Credit Reports and Credit Scores (Vietnamese)

Báo Cáo Tín Dụng Và Điểm Tín Dụng

Quá khứ tín dụng của quý vị ảnh hưởng rất lớn đến khả năng đạt được các mục tiêu tài chánh quan trọng. Nên hiểu biết về các tin tức được thâu thập về quý vị, cách diễn nghĩa và cải thiện tín dụng, cũng như quyền hạn của quý vị là gì.

Your credit history has a significant impact on your ability to achieve important financial goals. Learn what information is collected about you, how to interpret and improve it, and what your rights are.

Quá khứ tín dụng của quý vị là cách quý vị dùng tín dụng và trả hoá đơn trong quá khứ, nó đóng vai trò quan trọng trong cách chủ nợ cứu xét đơn xin mượn tiền của quý vị.

Các chủ nợ và các công ty cho vay khác có thể coi quá khứ tín dụng của quý vị trong bản “báo cáo tín dụng” để quyết định có nên giao dịch với quý vị hay không và họ sẽ tính tiền lãi là bao nhiêu.

“Điểm tín dụng” là công cụ đánh giá, nó được dùng để làm đơn giản các chi tiết trong bản báo cáo tín dụng của quý vị xuống còn ba đơn vị số để giúp chủ nợ quyết định nhanh hơn. Điểm tín dụng giúp các doanh thương dự đoán người nộp đơn mượn tiền nào có khả năng trả nợ. Bản bảo cáo tín dụng của quý vị càng tốt chừng nào điểm tín dụng cũng cao từ đó, và đơn xin mượn tiền của quý vị được chấp thuận dễ dàng hơn.

Vì bản báo cáo tín dụng có thể ảnh hưởng rõ ràng đến khả năng đạt được mục tiêu quan trọng của quý vị như mua xe hay mua nhà, hoặc ngay cả mướn một căn chung cư hay xin việc làm, cho nên điều rất quan trọng quý vị cần biết là các tin tức nào về quý vị được thâu thập, nó được diễn giải ra sao, và các quyền hạn của quý vị là gì.

Tin tức nào được đưa vào bản báo cáo và điểm tín dụng?

Các bản báo cáo tín dụng được soạn ra bởi các cơ quan báo cáo tín dụng. Tuy có nhiều cơ quan báo cáo tín dụng làm nhiều loại báo cáo về người tiêu thụ, nhưng chỉ có ba văn phòng chính thâu thập các báo cáo tín dụng: Experian, TransUnion và Equifax. Ba văn phòng này thu thập các tin tức từ các chủ nợ và công ty cho vay tín dụng qua các nguồn cung cấp như đơn xin tín dụng, các trương mục tín dụng hiện thời và trong quá khứ, và các hồ sơ công cộng liên quan đến tài chánh.

Bản báo cáo tín dụng thường bao gồm:

  • Tin tức cá nhân (thí dụ, tên, địa chỉ hiện tại hay trước đó, ngày sinh, việc làm quý vị đã liệt kê trong đơn xin tín dụng, và số An Sinh Xã Hội);
  • Tiền quý vị trả trong quá khứ, các món nợ chưa trả, tín dụng giới hạn trong trương mục trả góp định kỳ (revolving accounts), ngày của từng trương mục được mở, và hiện trạng trương mục quý vị đang có cũng như các trương mục quý vị đứng tên chung hay cho người khác được quyền sử dụng;
  • Các tin tức trong hồ sơ công cộng như khai phá sản, tài sản bị tịch thu (thí dụ, nợ thuế chưa trả hay án lệnh phạt quý vị);
  • Chưa trả tiền phụ cấp con cái, và
  • Tên của những ai đã yêu cầu xem bản báo cáo tín dụng của quý vị trong hai năm qua (gọi là “inquiries”).

Bản báo cáo tín dụng của quý vị không bao gồm giới tính, chủng tộc, tôn giáo, đảng phái chính trị, quá khứ bệnh lý, hồ sơ tội phạm, hay các trương mục ngân hàng. Nói chung, nó cũng không được bao gồm tin tức về phá sản cũ hơn 10 năm hay các món nợ chưa trả hơn bảy năm (tính từ lần đầu không trả để đưa đến tình trạng nợ chưa trả). Đồng thời nó không bao gồm bất kỳ các điểm tín dụng.

Những ai có “lý do chính đáng” chiếu theo luật, đều có thể yêu cầu xem bản sao báo cáo tín dụng của quý vị. Nó bao gồm, nhưng không giới hạn cho người nào đang muốn mướn quý vị (trừ khi bị hạn chế bởi luật tiểu bang), cho vay hay cho tín dụng, bảo hiểm, hay bất động sản cho mướn. Thông thường họ phải có sự đồng ý của quý vị, và sự đồng ý này thường làm một cùng lúc khi quý vị ký tên trong đơn xin cho các việc này. Chủ nhân phải có giấy ký đồng ý của người xin việc trước khi muốn coi bản báo cáo tín dụng của người đó. Các cơ sở đòi nợ không cần phải có sự đồng ý của quý vị khi xin bản báo cáo tín dụng, và họ có thể ghi “trương mục bị đòi nợ” trong bản báo cáo tín dụng của quý vị mà không cần cho quý vị biết.

Các hình thức điểm tín dụng dùng một công thức tính điểm dựa theo các tin tức có trong bản báo cáo tín dụng của quý vị để nó được đánh giá cụ thể, hay tính điểm cho từng yếu tố trong hàng trăm yếu tố về quá khứ tín dụng của quý vị. Các yếu tố có nguy cơ rõ rệt nhất là:

Trả tiền trong quá khứ: Quý vị có trả tiền hóa đơn đúng thời hạn như đã đồng ý không? Trong bản báo cáo của quý vị có mục nào đề là trương mục bị đòi nợ, phá sản, án lệnh, tịch thu, hay mắc nợ đã trễ hạn không?

Tín dụng có sẵn và sử dụng: tổng số tín dụng có sẵn cho quý vị dùng và số tiền tín dụng quý vị nợ chưa trả là bao nhiêu?

Tiền nợ: Tống số tiền quý vị nợ là bao nhiêu?

Thời gian có tín dụng: quý vị đã dùng tín dụng trong bao lâu rồi?

Tín dụng mới: quý vị mới mở bao nhiêu trương mục tín dụng mới hay cố gắng mở?

Các loại tín dụng sử dụng: Quý vị có dùng nhiều loại tín dụng khác nhau không? (Thí dụ tiền nợ nhà, nợ trả góp định kỳ và thẻ tín dụng).

Đánh giá từng yếu tố này tùy thuộc vào hình thức tính điểm được dùng và quý vị dùng tín dụng trong quá khứ ra sao. Tuy nhiên, nói chung, hồ sơ trả nợ trong quá khứ ảnh hưởng lớn nhất đến điểm tín dụng của quý vị. Các trương mục quý vị không trả hay không thể trả sẽ kéo điểm tín dụng xuống, ngược lại, trả tiền đúng kỳ hạn trong quá khứ sẽ làm cho điểm cao hơn. Đừng quá chú tâm vào điểm của quý vị--nên tập trung sức lực vào cải thiện quá khứ tín dụng bằng các trả nợ đúng thời hạn.

Diễn giải điểm tín dụng của quý vị

Để biết quý vị ở thang điểm nào, quý vị cần biết đến hình thức tính điểm được dùng.

Có nhiều hình thức tính điểm khác nhau giúp các chủ nợ dùng để khảo sát tầm nguy cơ về tín dụng. Hình thức được nhiều giới tiêu thụ biết đến nhiều nhất là do FICO thực hiện và có thang điểm từ 300 tới 850. Các hình thức tính điểm khác là của VantageScore (đây là sự hợp tác khai triển hình thức của ba văn phòng báo cáo tín dụng chính) có thang điểm từ 300 tới 850. Tuy nhiên, dù cũng cùng một công ty đó nhưng họ có thể tạo các thang điểm khác để dùng cho các kỹ nghệ cụ thể nào đó khi tính điểm tín dụng. Đó là lý do quan trọng quý vị cần hiểu hình thức tính điểm nào được dùng và thang điểm của hình thức đó, để biết số điểm của quý vị nằm trong thang điểm cụ thể nào.

Tìm biết điểm tín dụng của quý vị

Quý vị cũng có thể mua bản báo cáo điểm tín dụng của FICO tại www.myFICO.com, đây là trang mạng của Fair Isaac Corporation, công ty khai triển ra các mô thức liên hệ tới điểm FICO được gọi chung là “điểm FICO” (“FICO scores.”) Quý vị cũng có thể trả thêm tiền để biết điểm tín dụng khi quý vị yêu cầu có bản báo cáo tín dụng miễn phí hàng năm (xin xem chi tiết xin bản báo cáo dưới đây).

Nhưng trước khi trả tiền để biết điểm tín dụng, quý vị nên tìm hiểu cách để biết được điểm tín dụng mà không phải trả tiền. Nhiều ngân hàng và các công ty cấp thẻ tín dụng hiện nay cho biết điểm tín dụng miễn phí cho khách hàng của họ. Công ty thẻ tín dụng Discover cung cấp điểm FICO miễn phí cho mọi người tiêu thụ, không chỉ riêng cho khách hàng của họ. Các nguồn cung cấp điểm tín dụng miễn phí bao gồm Credit Karma, NerdWallet, Credit Sesame và các trang mạng về dịch vụ tài chánh khác. Các điểm tín dụng được cho biết miễn phí này có thể không y hệt như các điểm chủ nợ dùng để đánh giá đơn xin tín dụng của quý vị, nhưng nó thường có đầy đủ dữ kiện để quý vị có khái niệm về hạng điểm tín dụng của quý vị (xấu, tệ, trung bình, tốt, xuất sắc).

Kiểm tra điểm tín dụng không ảnh hưởng xấu đến tín dụng của quý vị, nhưng nên khôn ngoan giới hạn số công ty quý vị đưa dữ kiện cá nhân (khi yêu cầu biết điểm tín dụng, quý vị phải cho tên, số An Sinh Xã Hội và các tin tức cá nhân khác). Và nên cẩn thận với “cái giá” phải trả nếu muốn biết điểm tín dụng miễn phí là quý vị hay nhận được các thơ email quảng cáo. Vì thế, nên đọc các nội quy và điều lệ sử dụng của công ty đó trước khi yêu cầu để hiểu cách công ty thâu thập tin tức về quý vị và họ dùng hay chia sẻ nó ra sao. (Quý vị đừng bao giờ đánh số thẻ tín dụng vào bất cứ đâu để được biết điểm tín dụng “miễn phí.”)

Trong một số trường hợp cụ thể quý vị sẽ tự động biết được một hay nhiều điểm tín dụng của mình và miễn phí.

Nếu quý vị nộp đơn xin mượn tiền, luật liên bang buộc chủ nợ phải cho quý vị biết số điểm tín dụng của quý vị họ đã dùng để đánh giá đơn xin mượn tiền mua nhà của quý vị. Luật cũng buộc các chủ nợ (không phải ngân hàng cho vay địa ốc) phải tiết lộ số điểm của khách hàng họ đã dùng để làm quyết định nếu họ bác đơn xin tín dụng của quý vị, hay nếu đơn xin được chấp thuận nhưng họ không cho quý vị lãi suất thấp nhất hay thể lệ cho vay tốt nhất chỉ vì số điểm tín dụng của quý vị. Quý vị cũng được quyền biết điểm tín dụng miễn phí từ công ty cấp thẻ tín dụng cho quý vị nếu lãi suất tăng cho trương mục hiện có của quý vị, vì họ dựa vào điểm tín dụng của quý vị. Trong các bối cảnh như vậy, quý vị không phải yêu cầu công ty tài chánh cho biết điểm tín dụng, họ phải tự động cung cấp cho quý vị cùng với các chi tiết về mức thang điểm.

Quý vị nên đọc các chi tiết đi kèm theo với bất kỳ số điểm nào để biết cách diễn giải nó. Cho dù quý vị nhận cùng một loại hình thức tính điểm từ nhiều nguồn cung cấp khác nhau, nhưng con số có thể khác. Chuyện này xảy ra vì không phải tất cả các chủ nợ tường trình cho cả ba văn phòng báo cáo tín dụng, một sơ sót có thể được một văn phòng báo cáo tín dụng sửa chữa, nhưng không phải các văn phòng khác, hay có sự khác biệt đôi chút về công thức tính điểm.

Cải thiện hạng điểm tín dụng của quý vị

Có nhiều lý do tốt đẹp để cải thiện tín dụng của quý vị, bao gồm được lãi suất thấp khi mượn tiền. Cho dù chỉ có sự khác biệt nhỏ về lãi suất trong nợ nhà hay nợ xe, nhưng nó có thể tiết kiệm được hàng trăm hay hàng ngàn mỹ kim trong suốt thời hạn mang nợ, quý vị sẽ hưởng lợi nếu cải thiện điểm tín dụng của quý vị cho tốt hơn. Các hướng dẫn này sẽ giúp:

  • Trả hóa đơn đúng kỳ hạn.
  • Trả bù các kỳ nợ chưa trả lúc trước để bắt kịp trả đúng thời hạn.
  • Trả hết nợ thẻ tín dụng và các nợ không bảo đảm khác. Chỉ chuyển tiền nợ sang trương mục mới nếu quý vị có thể giảm lãi suất xuống thật nhiều và trả nhanh hơn nhưng không tăng thêm nợ khi quý vị vẫn tiếp tục dùng thẻ cũ.
  • Giữ tiền nợ ở mức 30% hay thấp hơn hạn mức tín dụng của các trương mục trả góp liên tục (như thẻ tín dụng).
  • Cảnh giác khi đóng các trương mục tín dụng trả góp liên tục không dùng đến. Nếu quý vị dùng một thẻ với số tiền nợ cao ngang tới tỷ số giới hạn, có các thẻ khác với số không trong trương mục qúi vị có thể giảm nguy cơ của thẻ tín dụng có nợ cao.
  • Nếu có vấn đề tín dụng trong quá khứ, quý vị cần chứng minh quý vị đủ khả năng và trách nhiệm trả được món nợ. Gầy dựng lại tín dụng bằng cách xài thẻ trong số nợ quý vị có thể trả hết mỗi tháng. Đây là cách giúp gầy dựng lại quá khứ tín dụng tốt để xoá đi cái xấu.
  • Chỉ nộp đơn và mở các trương mục tín dụng mới khi cần, nhất là khi quý vị sắp mượn tiền. (Các trương mục mới tạm thời làm cho điểm tín dụng bị thấp xuống cho đến khi quý vị dùng lâu đủ để chứng tỏ quý vị có thể trả được nợ.)
  • Dùng đủ loại tín dụng (thí dụ, thẻ tín dụng, nợ trả góp định kỳ và nợ mua nhà) để chứng tỏ quý vị có đủ khả năng trả được nợ của tất cả các loại tín dụng.
  • Đọ giá một loại nợ đặc biệt nào đó (thí dụ, xe hay nhà) trong thời hạn 30 ngày-- như vậy, quý vị sẽ không bị cho là đang cố gắng mở nhiều trương mục mới.
  • Đối chất các chi tiết không chính xác và các dữ kiện cũ nào đáng lẽ phải được xóa trong bản báo cáo của quý vị hiện thời.

Đóng một trương mục không làm nó biến mất trong bản báo cáo tín dụng của quý vị hay điểm tín dụng được cải thiện ngay, và cũng không thể nếu xoá nợ cho một trương mục còn hiệu lực đang và đã bị đòi nợ --nó sẽ ở trong bản báo cáo của quý vị trong bảy năm. (Tuy nhiên, đối chất sự thiếu chính xác trong một trương mục bị đòi nợ để nó bị xóa ra khỏi bản báo cáo tín dụng có thể cải thiện điểm tín dụng của quý vị.)

Trả nợ trễ cho một trương mục còn hơn là không bao giờ trả.Trả trễ 60 ngày tệ hơn là trả trễ 30 ngày, nhưng nó không tệ như trả trễ 90 ngày. Thế nhưng, bất kỳ các vụ trả trễ nào cũng bị coi là xấu và ảnh hưởng (giảm đi với thời gian) đến điểm tín dụng của quý vị cho đến bảy năm.

Tin tức bị ngân hàng tịch thu nhà nằm trong bản báo cáo của quý vị trong bảy năm tính từ ngày mở hồ sơ. Nhưng ảnh hưởng của nó sẽ giảm dần với thời gian. Để cố gắng tránh các thiệt hại vì bị tịch thu nhà, một số chủ nhà đang thiếu hụt tiền chọn bán lỗ (xin ngân hàng cho phép bán nhà thấp hơn với giá quý vị nợ nhưng vẫn không quá lỗ) hay từ bỏ chủ quyền (trao lại nhà cho chủ nợ để đánh đổi lại, chủ nợ xóa nợ cho quý vị.) Cả hai cách này vẫn sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng đến điểm tín dụng của quý vị vì tiền nợ không được trả như đã đồng ý.

Khai phá sản thường mang ảnh hưởng xấu cho điểm tín dụng của quý vị hơn là bị ngân hàng tịch thu nhà, chịu bán lỗ hay từ bỏ chủ quyền nhà, vì phá sản ảnh hưởng tới nhiều trương mục khác. Nhiều người biết khi khai phá sản khiến họ không xin được một tín dụng mới trong một hay hai năm sau khi vụ phá sản kết thúc (miễn thiếu tiền). Tuy nhiên, họ gần như phải trả các lãi suất hay lệ phí rất cao khi xin tín dụng đó.

Nếu quý vị đang gặp rắc rối tiền bạc, liên lạc với các cơ quan tín nhiệm về tham vấn tín dụng vô vụ lợi. (Xem www.nfcc.org hay https://fcaa.org để biết thêm chi tiết.) Điểm tín dụng của quý vị sẽ không cải thiện ngay, nhưng nó có thể sẽ giúp quý vị quản lý được các món nợ và chấm dứt căng thẳng tinh thần vì nợ nần.

Quyền hạn của quý vị

Quý vị có các quyền hạn nhất định về tín dụng chiếu theo sắc luật Liên Bang Fair Credit Reporting Act (FCRA) và sắc luật Fair and Accurate Credit Transactions Act (FACTA).

Cứ cách 12 tháng, quý vị có quyền nhận một bản báo cáo tín dụng từ ba cơ quan báo cáo tín dụng, nếu quý vị yêu cầu. Đặt yêu cầu có các bản báo cáo tín dụng miễn phí trên mạng tại www.annualcreditreport.com hay gọi số 877-322-8228. Sự yêu cầu của quý vị sẽ không ảnh hưởng gì đến tín dụng hay giảm điểm tín dụng của quý vị.

Quý vị cũng có quyền xin được một bản báo cáo tín dụng miễn phí nếu quý vị thất nghiệp và đang kiếm việc, đang nhận trợ cấp chính phủ, có làm hồ sơ cảnh giác gian lận, hay khi ai đó dùng các tin tức trong hồ sơ của quý vị để từ chối đơn của quý vị. Điều này bao gồm từ chối cho tín dụng, mướn nhà, mở trương mục ngân phiếu hay tiết kiệm, mua bảo hiểm hay tìm việc làm. Công ty hay tư nhân phải đưa cho quý vị bản “notice of adverse action” (thông báo từ chối) bao gồm các lý do quý vị bị từ chối, cùng với nguồn cung cấp báo cáo (tên, địa chỉ và số điện thoại của văn phòng báo cáo tín dụng). Các tin tức được cung cấp để là lý do từ chối đơn của quý vị phải cụ thể--thí dụ, “số lần không trả nợ ghi trong hồ sơ quá khứ tín dụng của quý vị” hay “tiền nợ trong trương mục trả góp liên tục của quý vị quá cao.” Quý vị có quyền yêu cầu có bản báo cáo tín dụng miễn phí từ nguồn cung cấp tin tức này trong vòng 60 ngày tính từ ngày nhận được thông báo.

Nếu đã nhận được ba bản báo cáo tín dụng trong một năm, không thể xin thêm một bản miễn phí nữa, quý vị phải trả một lệ phí nhỏ khoảng $10 --hay khoảng $15 tới $20 Mỹ kim để mua báo cáo điểm tín dụng của quý vị – mua trực tiếp từ văn phòng báo cáo tín dụng. Để đặt mua bản cáo cáo từ Văn Phòng TransUnion, xin xem https://disclosure.transunion.com/dc/disclosure/disclosure.jsp?. Để đặt mua bản báo cáo từ Equifax, xin gọi số 888-298-0045. Để đặt mua bản báo cáo từ Experian, xin gọi 800-509-8495. (Nếu xem bất kỳ trang mạng nào của các văn phòng trên, quý vị sẽ khó tìm được tin tức cần thiết để chỉ đặt mua bản báo cáo tín dụng; tất cả trang mạng đều khuyến khích mua các bản báo cáo cùng với báo cáo điểm tín dụng và/hay dịch vụ trông chừng tín dụng.)

Quý vị có quyền đối chất các tin tức không chính xác hay quá cũ. Cơ quan báo cáo tín dụng phải điều tra nhanh chóng, và gởi lại cho quý vị kết quả cuộc điều tra cùng với bản báo cáo đã được chỉnh sửa nếu quý vị đúng. Không ai có thể xoá bỏ các tin tức xấu trong bản báo cáo tín dụng nếu nó chính xác và đúng thời gian. Đừng trả tiền cho dịch vụ nào làm các việc chính quý vị tự làm cũng được mà không tốn tiền.

Nếu nguồn cung cấp khẳng định tin tức chính xác như đã báo cáo và khuyên văn phòng báo cáo tín dụng giữ nguyên các tin tức đó, quý vị có thể đính kèm một thư giải thích ngắn, để nó sẽ được đọc bởi ai yêu cầu có bản báo cáo tín dụng của quý vị. Nếu bản báo cáo được chỉnh sửa hay thư giải thích của quý vị được đính kèm, quý vị có thể yêu cầu những ai mới nhận được bản báo cáo tín dụng của quý vị được thông báo về các sửa đổi này.

Luật tiểu bang có thế cho quý vị thêm quyền hạn. Để tìm các chi tiết liên lạc với cơ quan bảo vệ người tiêu thụ ở địa phương hay ở cấp tiểu bang bằng cách vào mạng điện toán, xin xem http://www.consumerservicesguide.org/resources/national/browse/location/, hay trong trang chính phủ của cuốn điện thoại niên giám. Tìm văn phòng biện lý tiểu bang của quý vị trên trang mạng National Association of Attorneys General (www.naag.org).

Nha Thanh Tra Mậu Dịch Liên Bang (the Federal Trade Commssion - FTC) thực thi các quyền hạn của người tiêu thụ chiếu theo Sắc Luật FCRA và FACTA, nhưng FTC không phân xử các khiếu nại cá nhân. Để điền đơn khiến nại, hay để biết thêm các điều lệ về báo cáo tín dụng, xin viếng www.FTC.gov (bấm vào Consumer Protection) hay gọi số 877-FTC-HELP (877-382-4357).

Published / Reviewed Date

Reviewed: November 21, 2018

Download File

Credit Reports and Credit Scores (Vietnamese)
File Name: Credit_Reports_and_Credit_Scores_2018_VN.pdf
File Size: 0.43MB

Sponsors

Notes

Ấn bản này do Dự Án Quản Lý Tài Chánh của Cơ Quan Consumer Action biên soạn (http://www.managing-money.org).

Filed Under

Credit   ♦   Credit Reports/Scores   ♦   Credit Scores   ♦  

Copyright

© 2011 –2024 Consumer Action. Rights Reserved.

 

Tags/Keywords

 
 

Quick Menu

Facebook FTwitter T